MÙA MƯA - CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ CẦN LƯU Ý - CÁC BỆNH HAY GẶP

Thời gian làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 17h30 - 21h00 (CN & ngày lễ: nghỉ)
MÙA MƯA - CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ CẦN LƯU Ý - CÁC BỆNH HAY GẶP
Ngày đăng: 06/10/2023 09:17 PM

    A. Các bệnh lý gây nên do tác nhân gây bệnh phát triển mạnh
    1. Cảm cúm
    2. Sốt xuất huyết
    3. Đau mắt đỏ

    4. Bệnh lý về da

    B. Sự trở nặng của các bệnh lý mạn tính
    1. Bệnh lý tim mạch
         Tăng huyết áp
         Bệnh tim thiếu máu cục bộ
         Suy tim

    2. Bệnh lý hô hấp:
         Hen suyễn

         COPD

    A. Các bệnh lý gây nên do tác nhân gây bệnh phát triển mạnh
    1. Cảm cúm
    Cảm cúm là một trong những vấn đề sức khoẻ phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt thường gặp trong mùa mưa và mùa lạnh do không khí lạnh và sự phát triển mạnh của các vi sinh vật trong không khí Cảm cúm gây ra bởi virus gây bệnh đường hô hấp, trong đó bao gồm cả SARS-CoV-2.
    Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, thường có thể tự khỏi sau 5-7 ngày nhưng một vài trường hợp có thể chuyển nặng sang viêm phế quản, viêm phổi,… Các dấu hiệu nhận biết cảm cúm bao gồm: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho khan, chảy
    nước mắt, có thể kèm sốt. Các triệu chứng khác cũng có thể gặp như đau nhức cơ thể, nhức đầu, nhức hốc mắt, nôn mửa, tiêu chảy,…
    Cảm cúm thường dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, do vậy cần phải phân biệt để theo dõi và điều trị bệnh phù hợp. Triệu chứng của cảm lạnh thường nhẹ, thường có thể chỉ chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi và thường không kéo dài quá 2 tuần. Trong khi đó, cảm cúm thường biểu hiện triệu chứng nặng hơn, diễn tiến nhanh hơn, trong vòng 1-2 tuần và có thể dẫn đến các bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng.

    Một số cách để phòng tránh:
    - Uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau và trái cây
    - Giữ ấm cơ thể
    - Thường xuyên súc miệng bằng nước muối
    - Đeo khẩu trang khi ra ngoài
    - Hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh và cúm
    - Tiêm phòng vắc xin phòng cúm, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tháng tuổi và người lớn trên 65 tuổi, người có bệnh đường hô hấp mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch
    Trong trường hợp triệu chứng bệnh kéo dài hoặc chuyển biến nặng hơn thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay để có biện pháp điều trị kịp thời.

    2. Sốt xuất huyết
    Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra, tác nhân lây truyền là muỗi vằn. Bệnh thường gặp ở trẻ em hơn người lớn. Môi trường nước đọng, ô nhiễm nguồn nước vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn. Có 4 chủng virus Dengue bao gồm DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4, trong đó DEN1 và DEN2 là 2 chủng lưu hành phổ biến ở Việt Nam. Sau khi nhiễm một trong 4 chủng thì sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Do đó một người có thể bị mắc bệnh tối đa 4 lần trong đời.

    Bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn tiến theo 3 giai đoạn:
    Giai đoạn sốt:
    Xảy ra vào ngày 1-3 của bệnh
    Sốt cao đột ngột, liên tục
    Có thể kèm chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, bắt đầu
    có chấm xuất huyết
    Giai đoạn nguy hiểm:
    Xảy ra vào ngày 3-7 của bệnh
    Thường sốt sẽ giảm
    Xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi,
    nếu nặng có thể tiểu ra máu, tiêu phân máu, xuất huyết nội tạng,…
    Một số tình trạng nặng có thể gặp như: vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi
    do sốc; khó thở, suy hô hấp do tràn dịch màng phổi; gan to, ấn đau do tổn
    thương gan cấp,…
    Giai đoạn hồi phục:
    Xảy ra vào ngày 7-10 của bệnh
    Tình trạng người bệnh tốt lên, hết sốt, chấm xuất huyết mất dần
    Người bệnh có thể đi tiểu nhiều, thèm ăn

     

    Một số cách để phòng tránh:
    - Thực hiện các biện pháp diệt muỗi và đuổi muỗi trong nhà và khu vực xung quanh
    - Phát quang bụi rậm, lấp các vị trí ao tù nước đọng
    - Đậy kín dụng cụ chứa nước hoặc thả cá vào các bể chứa nước
    - Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, thường xuyên thay nước các bình cắm hoa và các vật chứa nước khác nhằm tránh để nước tù đọng
    - Mặc quần áo dài tay, mắc màn hoặc bôi thuốc phòng muỗi khi đi ngủ
    - Phối hợp với chính quyền hoặc cơ sở y tế trong các đợt phun thuốc phòng muỗi
    - Trong trường hợp sốt cao liên tục kéo dài thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay để có các biện pháp chẩn đoán điều trị kịp thời.

    3. Đau mắt đỏ
    Đau mắt đỏ, hay viêm kết mạc, là tình trạng nhiễm trùng mắt gây ra chủ yếu do virus, thường gặp nhất là Adenovirus. Các nguyên nhân khác của đau mắt đỏ bao gồm nhiễm vi khuẩn hoặc do phản ứng dị ứng.
    Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc với dịch từ mắt của người bệnh, ban đầu ở một mắt sau đó lây sang mắt còn lại. Độ ẩm không khí tăng cao, nguồn nước bị ô nhiễm sau mưa là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
    Triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, ngứa cộm mắt, chảy nước mắt, mắt dính nhiều ghèn làm dính chặt hai mi mắt nhất là lúc mới ngủ dậy. Ngoài ra các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, đau họng, amidan sưng to,…

    Một số cách để phòng tránh:
    - Giữ gìn vệ sinh cẩn thận, rửa tay thường xuyên
    - Hạn chế tối đa việc đưa tay dụi mắt
    - Không dùng chung khăn mặt và thuốc nhỏ mắt và hạn chế tiếp xúc với người bệnh
    - Khi có các dấu hiệu của bệnh thì bạn không nên tự ý mua thuốc uống hay nhỏ mắt mà nên đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị thích hợp

    4. Bệnh lý về da
    Tiếp xúc với nước mưa hoặc các vùng nước ngập ô nhiễm có thể dẫn đến một số bệnh lý da liễu bao gồm ghẻ, nấm, mụn, mẩn ngứa,…


    Bệnh ghẻ:
    Ghẻ là bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei trên da gây nên. Biểu hiện của bệnh ghẻ là các sang thương dạng sẩn đỏ và các đường hầm, luống ghẻ ở vùng giữa các
    ngón, cổ tay, vòng eo và bộ phận sinh dục, thường gây ngứa và có thể phát triển thành mụn mủ khó điều trị hơn.

     

    Nhiễm nấm:
    Thường được gọi là bệnh nước ăn chân, thường do các loại nấm như Trichophyton sp, Epidermophyton sp,… gây nên. Biểu hiện ban đầu là những đám da chết màu trắng, ngứa, lột da, đau rát, ngứa, sau đó bệnh có thể lan rộng, loét, nhiễm trùng sưng đau, ảnh hưởng đi lại.

    Nhìn chung, các bệnh lý về da liễu hiếm khi dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọngkhác, hầu hết gây ra những sang thương trên da gây mất tính thẩm mỹ cũng như có thể để lại vết sẹo về sau.
    Một số cách để phòng tránh:
    - Mặc áo mưa che kín khi trời mưa
    - Hạn chế đi vào đường ngập nước
    - Cần tắm rửa sạch sẽ và vệ sinh chân sau khi đi mưa về
    - Nếu da bị tổn thương cần vệ sinh bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc bôi thuốc thích hợp, tránh cào gãi

    Trong trường hợp bệnh kéo dài hoặc gây khó chịu nhiều thì cần đi khám da liễu để được điều trị dứt điểm.

    B. Sự trở nặng của các bệnh lý mạn tính
    Ngoài những bệnh kể trên, mùa mưa của là thời điểm các bệnh lý tim mạch – hô hấp trở nặng. Sau đây là các dấu hiệu cảnh báo cho thấy bệnh mạn tính của bạn đang chuyển biến hoặc cũng có thể chúng là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh nếu bạn chưa được chẩn đoán trước đây.

    1. Bệnh lý tim mạch
    Tăng huyết áp
    Triệu chứng của tăng huyết áp rất đa dạng, trong đó thường gặp nhất bao gồm đau đầu vào buổi sáng, hồi hộp đánh trống ngực, nhìn lóa,… Đôi khi tăng huyết áp diễn tiến thầm lặng và chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khoẻ. Do đó bạn nên thường xuyên theo dõi sức khoẻ định kỳ tại cơ sở y tế hoặc phòng khám tim mạch để có thể phát hiện sớm bệnh lý tăng huyết áp.

    Bệnh tim thiếu máu cục bộ
    Bệnh tim thiếu máu cục bộ gây ra do sự giảm tưới máu động mạch vành nuôi tim. Đau ngực là một triệu chứng thường gặp của bệnh. Đặc điểm của một cơn đau ngực điển hình trong bệnh tim thiếu máu cục bộ là đau giữa ngực, tính chất đau thắt, bóp chặt, đè nặng, hướng lan đến cổ, hàm dưới, vai và cánh tay trái hơn tay phải. Những cơn đau thắt ngực này thường khởi phát khi gắng sức, khi thời tiết lạnh, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, hoặc thậm chí ngay cả lúc nghỉ ngơi trong các trường hợp nặng. Cơn đau có thể tự giới hạn nhưng nếu cơn đau dữ dội kéo dài bạn cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để được can thiệp tích cực kịp thời.

    Suy tim
    Suy tim là hệ quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch, khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm. Các triệu chứng bao gồm khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, khó thở về đêm, hồi hộp, đánh trống ngực, phù chân,… Các triệu chứng này sẽ diễn tiến kéo dài qua nhiều năm và có thể đột ngột trở nặng khi có một biến cố cấp tính về sức khoẻ, gọi là đợt mất bù cấp của suy tim mạn.

    Để phòng ngừa tình trạng này, chúng tôi khuyên bạn nên hạn chế các hoạt động gắng sức, giữ ấm cơ thể, phòng ngừa các bệnh lý thường gặp và tuân thủ các hướng dẫn điều trị suy tim của bác sĩ.

    2. Bệnh lý hô hấp
    Hen suyễn
    Hay còn gọi là hen phế quản, gây ra do sự co thắt phế quản, khởi phát sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng nguyên trong không khí, khi gắng sức hoặc sau khi nhiễm virus đường hô hấp,… Dấu hiệu nhận biết của cơn hen bao gồm khò khè, khó thở, nặng ngực. Ở những bệnh nhân mới bị hen, sự co thắt phế quản có thể hồi phục hoàn toàn khi ra cơn trong khi ở các bệnh nhân lâu năm, tình trạng khó thở, khò khè có thể kéo dài mạn tính. Tuy nhiên dù mới mắc hay mạn tính, việc kiểm soát cơn hen vẫn rất nên được lưu tâm do có thể dẫn đến suy hô hấp cấp nếu không được xử lý kịp thời.

    Một số biện pháp phòng ngừa cơn hen cấp bao gồm hạn chế tiếp xúc các chất dị ứng nguyên bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh nhà cửa và môi trường sống. Ngoài ra cũng cần hạn chế các hoạt động gắng sức và luôn mang theo bên mình thuốc xịt dãn phế quản phòng trường hợp đột ngột vào cơn hen cấp.

    COPD
    Còn được biết đến là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh gây ra do sự tắc nghẽn mạn tính của đường hô hấp với yếu tố nguy cơ hàng đầu là hút thuốc lá. Khác với hen suyễn, tình trạng khó thở của bệnh nhân xuất hiện ngay cả khi ngoài cơn cấp. Các dấu hiệu nhận biết của COPD bao gồm khó thở, ho khạc đàm mạn tính, mắc các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp dưới tái đi tái lại,… Khi các triệu chứng này đột ngột diễn tiến nặng thì khả năng bệnh nhân đang vào một đợt cấp COPD. Các yếu tố thúc đẩy vào đợt cấp COPD thường không rõ ràng như hen phế quản, thường gặp là sau nhiễm trùng đường hô hấp, hút thuốc lá hoặc không tuân thủ điều trị.

    Một số biện pháp phòng ngừa đợt cấp COPD bao gồm bỏ hút thuốc lá cũng như tránh xa khói thuốc lá, phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp bằng cách tiêm phòng vaccine, tuân thủ hướng dẫn điều trị COPD của bác sĩ.

    Nói tóm lại, có nhiều vấn đề sức khoẻ nên được quan tâm khi chuyển sang mùa mưa. Chúng tôi khuyên mọi người hãy chú ý sức khoẻ của mình vào mùa mưa lũ và tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp. Bên cạnh cải thiện chế độ dinh dưỡng thì uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thể chất cũng là những biện pháp bổ ích giúp tăng cường sức đề kháng trước các tác nhân gây bệnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường gợi ý bệnh nào như đã đề cập phía trên, bạn nên đến khám tại các các cơ sở y tế hoặc phòng khám để được đánh giá bệnh một cách sớm nhất.

    Tài liệu tham khảo:
    Bộ Y tế (2019), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hà Nội
    Hoàng Văn Sỹ, Quách Trọng Đức (2020). Tiếp cận chẩn đoán bệnh nội khoa. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

    Nguồn Internet:
    https://www.umcclinic.com.vn/tin-tuc/y-hoc-thuong-thuc/nhung-benh-thuong-gap-trong-mua-mua-va-cach-phong-tranh
    https://tytphuonglinhtay.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe/kien-thuc-co-ban-ve-benh-dau-mat-do-cmobile8145-34195.aspx

    Biên soạn: BS CK2. NGUYỄN XUÂN TRÌNH
                      BS. LƯU GIA HUY

    Chính sách

    Phòng Khám Tim Mạch

    Bs CKII Nguyễn Xuân Trình

    Giá Yêu Thương

    Ưu Tiên Trẻ Em, Người Già

    Chuyên Khoa Tim Mạch

    Tư Vấn Online 18h00-21h00

     

     

    Vì sao bạn chọn

    Uy Tín

    Tận Tâm

    Hiệu Quả

    Trách Nhiệm

    Thiết Bị Hiện Đại

    0
    Zalo
    Hotline